Thăm nhà anh em

Ngày hôm nay, đi thăm anh em, có nhiều niềm vui, nhưng cũng không kém phần buồn:
1. Tích cực
– Cố gắng suy nghĩ theo hướng tích cực để tìm ra các vấn đề
– Viếng thăm gia đình nào cũng cảm nhận thấy niềm vui và tình thương của mọi người
2. Tiêu cực
– Còn càm ràm, tỏ ra nóng vội và khó chịu khi gặp những điều trái ý
– Thiếu tinh thần nhận định, suy nghĩ trước khi giải quyết vấn đề
3. Bài học rút ra
– Cần có kế hoạch càng cụ thể càng tốt
– Luôn ứng trực trước những khó khăn

Posted in Uncategorized | Leave a comment

Tiếng gọi mời tìm cái sâu thẳm

Theo triết Ấn Độ, con người hiện hữu quy về ba hướng chung và ba đòi hỏi: vũ trụ, Tuyệt đói và Cái tôi.

Khi nhìn về vũ trụ và thực tại tính của nó, chỉ trong sự vật và bằng sự vật, con người mới rút tỉa về vũ trụ qua sự hoài nghi. Người ta hoài nghi về tất cả những cái ta thấy, thậm chí là chính ta. Sự hoài nghi ấy giúp cho ta về chính kinh nghiệm của ngoại giới. Tất cả những điều ấy được gói gọn trong ý nghĩ, ta thực sự hoài nghi và thực sự có điều đáng hoài nghi.

Sự hoài nghi không chỉ dừng lại ở thái độ chán nản, đau khổ, vật vã, nhưng là nỗi hoài nghi trong hy vọng khám phá ra được cái thực sự đang có nơi vũ trụ, diễn ra trong sự vật. Một sự hoài nghi dẫn đến tận cùng để có thể thấu hiểu và đào sâu thực tại tính vũ trụ. Càng nhìn về vũ trụ trong sự hoài nghi, người ta hướng về chính mình là cái tôi và tấn thảm kịch của nó.

Khi suy tư hay nhìn ngắm một đối tượng, ta đặt đối tượng ấy với chính cái tôi của mình. Đây không phải là cái suy tư của Descartes, nhưng là cái ngã của nhà Vedantin. Bởi lẽ cái tôi suy tư của Descartes chỉ là suy tư, chứ không có xác, vì mọi sự dưới cái nhìn suy tư của Descartes đều diễn ra trong trí não. Trong khi đó, cái ngã của Vedantin là là một cái ngã vừa không có xác, lại không có tư tưởng và tình cảm. Tuy vậy, cái ngã này được tìm thấy nơi thể xác, nơi tâm linh và nơi tư tưởng dù có sự biến đổi theo thời gian.

Khi thời gian trở thành một vật cản theo nghĩa làm cho người ta thấy những giới hạn, tư tưởng của Ấn Độ phủ nhận một cái tôi chia theo quá khứ, hiện tại và tương lai. Đây là diễn tả sự khao khát để tìm đến sự hằng cửu trước cái biến dịch của Ấn Giáo.

Trong nỗi lòng khao khát, sự căng thẳng giữa một bên là cái tôi lý tưởng và một bên là cái tôi hiện tại đầy thiếu thốn trước những cái biến đổi, đang ngày càng khẩn trương và thúc bách tôi tìm kiếm cái tôi, đặc biệt khi nhìn dưới lăng kính của hiện sinh . Cái tôi hiện tại của tôi là gì? Cái tôi lý tưởng của tôi cách xa cái tôi hiện tại ra sao? Sự xa cách đó bộc lộ gì về tôi? … Những câu hỏi cứ lần lượt nảy sinh để rồi tôi cứ chập chờn, khắc khoải, mông lung tìm đến cái tôi thực sự của chính mình. Một tấm thảm kịch được dựng lên để tôi thấy mình thật giới hạn.

Để giải quyết tấm thảm kịch đó, tôi không còn khác chi là hoàn toàn trở về với chính mình, nên một với tất cả, hiệp nhất với cái tôi lý tưởng, đồng hóa với cái tuyệt đối trong chủ trương nhất nguyên. Tấm thảm kịch ấy như một lời mời gọi để tôi khám phá những đòi hỏi của Tuyệt đối.

Người ta không thể phủ nhận tuyệt đối vì nếu phủ nhận sẽ phủ nhận tất cả, bởi lẽ Tuyệt đối hiện diện trong tất cả, có mặt trong tất cả, và dĩ nhiên có ngay trong chính con người, Tuyệt đối hiện diện cách gần gũi thân mật, mời gọi tôi quay trở về với tôi, tìm kiếm tuyệt đối trong cái tôi, thể hiện cái tôi giới hạn được trở nên vô hạn trong tầm nhìn hướng về cái tuyệt đối. Nói cách khác, theo thánh Augustinô đó là quay trở về với lòng mình để nhận ra một Thiên Chúa cao hơn hơn cái cao của tôi, sâu hơn cái sâu của tôi, một Thiên Chúa trong lòng con.

Khi ấy, người “thực sự thấy” lại trở nên bình yên trước cái tôi lý tưởng, không bị biến mất trước những cái thay đổi tương đối, trở nên hòa điệu trước những cái đang thay đổi, để thấy lòng bất biến giữa dòng đời vạn biến. Nhưng, khi nhìn thấy cái Tuyệt đối thực sự lại là khởi đầu cho những thắc mắc khó hiểu về những cái tương đối và biến dịch. Có lẽ, một kẻ tâm luôn bất động sẽ thắc mắc về kẻ đang bị xao động bởi những biến dịch đang diễn ra trong kẻ đang bị xao động.

Sự bất biến gọi mời gọi nhìn từ chối thời gian. Từ chối thời gian để không nhìn sự vật dưới vật cản quá khứ, hiện tại và tương lai, nhưng nhìn dưới lăng kính của cái nhìn vượt thời gian, một cái nhìn vô hạn định trong mọi vật. Càng nhìn mọi vật vô hạn định, không để cho thời gian chiếm hữu cái nhìn, người ta lại càng cảm nếm cái thâm sâu của sự vật, nhờ đó, những thành kiến cố hữu có cơ hội được vượt thoát, thay vào đó là cái nhìn vĩnh cửa và huyền bí về sự vật. Qua đó, tôi bằng lòng với tôi trong hiện tại biến dịch của tôi.

Vì mong muốn cái tuyệt đối, ưa cái bất biến, e ngại cái biến dịch, Ấn Độ không coi trọng hình danh, sắc tướng, vì lẽ những thứ ấy biến đổi. Càng khi chê biến dịch là càng mong mỏi cái hằng tại, sâu xa, tiềm tàng trong tất cả sự vật. Có thể hiểu rằng, Ấn Độ không nhìn cái bát với vẻ đẹp của nó, nhưng nhìn vào đất sét là cái ban đầu trước khi thành hình cái bát. Như vậy, không có nghĩa, không coi trọng thực tại, nhưng Ấn Độ mong muốn tìm kiếm sâu xa, chứ không chỉ là thứ hình thức bên ngoài. Nếu triết Hy Lạp đánh giá mô thể hơn chất thể là để nói đến cái vĩnh hằng thì triết Ấn lại coi trong cái chất thể là cái khởi đầu trước khi thành hình.

Vì khao khát cái bất biến, khinh chê cái biến dịch với ước ao tìm kiếm những hạnh phúc sâu xa ẩn chứa trong vụ trụ vạn vật, Ấn Độ không mong tìm niềm vui nơi ngôn từ, nhưng là khắc khoải khát tìm kiếm ngôn từ của thinh lặng. Đây không phải là sự thinh lặng không nói gì, nhưng là một sự thinh lặng hiệp nhất giữa tư tưởng và ngôn từ. Khi chính ngôn từ hiệp nhất trong tư tưởng, người ta xóa mình trong một thực tại biến dịch để tìm thấy một sự bất biến vĩnh cửu. Phải chăng đó là cảm giác của kẻ tu hành khi lời kinh thấm nhuần trong từng chi thể, để xóa khỏi những phiền muộn, tìm về cái bất biến của sự hiệp nhất giữa cái tôi yếu đuối và cái tôi lý tưởng? Phải chăng đó là cái lời không thành lời, nhưng không phải là không lời, nhưng lại là lời chìm sâu vào trong và là chính bản thể của tôi? Chính cái âm u và huyền bí ấy là cách thế diễn tả tình yêu với lời vì làm cho lời cho trở nên nền tảng, bất chấp những đòi hỏi của thể xác, mà trong Kinh Thánh Công giáo có nói: “Người ta không chỉ ăn cơm bánh, nhưng nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”

Giáng sinh sắp đến, ngôi Lời nhập thể, tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại được hiện hình trong Hài Nhi Giêsu. Có lẽ, với lăng kính của triết Ấn, sự ra đời của hài nhi Giêsu như một lời mời gọi con người tìm kiếm vũ trụ, cái tôi và tuyệt đối nơi một Thiên Chúa làm người qua sự nhỏ bé và khiêm nhường trong hang bò lừa, chứ không tìm kiếm những phóng túng hay lạc thú của những bữa tiệc Giáng sinh. Một tiếng gọi mời để tìm sự sâu thẳm của đời sống.

Posted in Uncategorized | Leave a comment

VẾT THƯƠNG LÒNG

VẾT THƯƠNG LÒNG

Có vết cắt không bao giờ hồi phục

Vết thương lòng mãi nhức mông lung

Vết thương lòng – Hồng Dương

Trong cuộc sống bận rộn hối hả ngày nay, vết thương lòng có thể xảy đến cho tất cả mọi người. Vết thương ấy có thể bị gây ra do người ta bị lừa dối tình cảm, bị mất mát đi người thân yêu, bị xúc phạm danh dự, bị lừa lọc tiền bạc… Đôi khi, thất bại trong thi cử cũng là một vết thương lòng khó phai.

Vết thương lòng khác vết thương trên thân thể. Khi bị một vết thương trên thân thể, ta có thể bị rỉ máu, đau đớn. Nhưng sau một thời gian chữa trị, vết thương không còn chảy máu, hết đau đớn, lành dần từng lớp theo từng cấu trúc da của cơ thể, đôi khi không còn để lại sẹo. Nếu có để lại sẹo thì dù sao vết thương trên thân thể sẽ không còn đau đớn nữa, nhưng vết thương lòng thì không như vậy. Vết thương lòng là những tổn thương sâu tận cõi lòng. Vết thương này không thể chữa trị trong một hai ngày, nhưng cần nhiều tháng, nhiều năm. Thậm chí không thể nào hồi phục được nữa, ta phải mang theo vết thương ấy suốt đời. Có khi vết thương tưởng đã lành lặn, nhưng rồi bất ngờ ký ức bị tổn thương quay về, vết thương bùng phát trở lại.

Hậu quả của những vết thương lòng nếu không được chữa lành là sự hờn giận, mất niềm tin vào cuộc sống, không còn tin vào chính mình, trở nên bi quan, thậm chí dẫn đến chết. Khi niềm hy vọng và niềm tin bị đánh mất, cuộc đời của con người trở nên vô vị. Vì vậy những vết thương lòng cần được chữa lành.

Vết thương lòng chỉ được chữa lành bằng tình yêu thương. Yêu thương là phương thuốc chữa lành, là nhịp cầu bắc lại khoảng trống đã mất trong tiến trình phát triển của con người. Những lời chia sẻ, những lời động viên, thái độ chân tình trong khuyên bảo, sự đồng cảm với những người có vết thương lòng là “thuốc sát trùng” tốt nhất để vết thương lòng không bị “mưng mủ” và “thối rữa”, nhưng sẽ “lành lặn” theo năm tháng.

Tuy yêu thương là yếu tố cần thiết để chữa trị vết thương lòng nhưng liều thuốc ấy chưa đủ, việc chữa lành vết thương còn cần đến sự cộng tác của chính người bị thương. Nếu tự giam cầm bản thân trong những đau khổ, nếu để cho những vết thương lòng làm chủ tâm trạng, người ta đang tự giam cầm bản thân trong địa ngục trần gian. Những con người đó chỉ nhìn vết thương qua ánh mắt của thù hận và chán nản. Ánh mắt ấy như những con vi trùng làm cho vết thương thêm “sưng tấy” và “mưng mủ”. Những vết thương lòng của những con người nhìn bằng ánh mắt của sự thù hận và chán nản như những vết thương không đáp ứng với “thuốc sát trùng”. Mỗi ngày vết thương ấy cứ lan rộng ra, từ một vết thương nhỏ trong tâm hồn chuyển sang thành một vết thương thực thể do tự họ làm hại bản thân.

Cuộc sống của mỗi người không ai giống ai. Mỗi người có một hành trình sống rất khác nhau. Có những nỗi đau xảy đến chẳng ai có thể lường trước được. Thế nhưng, nếu ai đó bị một vết thương lòng, họ đang có trong mình cơ hội để được lớn lên, để tạo nên sự khác biệt với tất cả mọi người. Sự trưởng thành của mỗi người được định hình từng ngày qua những nỗi đau đã trải qua. Từng nỗi đau chịu dựng sẽ là cánh chim để ta có thể bay xa và bay cao trong cuộc đời nếu ta biết trân quý hơn là thù ghét vết thương lòng. Vết thương lòng gây ra đau khổ cho con người nhưng bị đau đớn bởi vết thương lòng, con người mới nhận biết tình yêu thương quý giá biết chừng nào. Khi nhìn vết thương lòng của bản thân bằng ánh mắt yêu thương, người ta mới có thể nhìn vết thương của người khác bằng ánh mắt yêu thương như thế. Từ đó, người được chữa lành có thể chữa lành vết thương lòng của người khác bằng chính kinh nghiệm sống của mình.

Mỗi người đều có thể bị những vết thương lòng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tất cả những vết thương ấy cần được chữa lành bằng sự đồng cảm yêu thương của tất cả mọi người và sự cộng tác của chính họ khi nhìn về vết thương của bản thân với ánh mắt yêu thương hơn là thù hận.

Những vết thương lòng của con người giúp tôi nhận ra thái độ sống cố gắng đừng làm tổn thương bất cứ ai nhưng đồng cảm yêu thương với tất cả mọi người, đặc biệt luôn nhìn những vết thương lòng của bản thân với ánh mắt yêu thương.

Theo dongten.net

Posted in Uncategorized | Leave a comment

SỐ MỆNH CUỘC ĐỜI

Jack Carroll, một thí sinh 14 tuổi tham gia cuộc thi Tài năng của nước Anh đã chia sẻ: “Sẽ không bao giờ em được giống như Usain Bolt[1]. Số phận sắp đặt rồi.” Lời nói của em khiến cho tôi chút băn khoăn về số phận của mỗi người trong cuộc đời.

Cuộc đời của mỗi người có những số mệnh khác nhau: giàu có, nghèo đói, đau khổ, bệnh tật, sức khỏe, thất bại, thành công, tài năng, bất tài, vô dụng, … Chẳng ai có thể tự chọn cho mình một điều kiện nhất định để sinh ra. Tôi nhớ đến câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Chẳng ai chọn cửa mà sinh”.

Phải chăng cuộc đời của mỗi người là một sự tình cờ? Tình cờ tôi được sinh ra trong một xã hội, trong một gia đình, trong một tổ chức đoàn thể, trong một tôn giáo và hiện tại của đời tôi phụ thuộc vào sự tình cờ ấy? Số mệnh của tôi là thế nên tôi không thể thay đổi được điều gì? Mọi sự đều tùy thuộc vào sự thay đổi của số phận?

Niccolo Machiavelli, một nhà triết học người Ý đã viết: “Số mệnh định đoạt một phần những công nghiệp của ta và ta phải dành quyền chủ động phần còn lại”. [2] Tác giả của câu nói trên không phủ nhận vai trò của số mệnh sẽ diễn ra trong cuộc đời của mỗi người. Tuy nhiên, theo ông, mỗi người cũng có một vai trò nhất định trong việc định đoạt cuộc đời của mình nơi số mệnh đã định sẵn. Ta không thể đổ lỗi cho số phận thất bại nếu ta chưa cố gắng hết sức trong công việc đã làm. Ta không thể đổ lỗi cho kết quả cục thảm hại của kỳ thi khi ta lại là một kẻ lười biếng, trễ nãi trong việc học tập.

Cuộc đời luôn có những điều bất ngờ xảy đến.

Một người bạn của tôi, trong một lần tình cờ đi khám sức khỏe tổng quát, sau khi có kết quả xét nghiệm máu và chụp phim phổi, bác sĩ kết luận có một khối u ác tính trong phổi. Cuộc đời của bạn tôi đã khác.

Cách đây không lâu, trên một tờ báo nọ có đăng tin, một chị bán ve chai tình cờ nhặt được một số lượng lớn tiền Yên Nhật. Sau một thời gian đăng tin lên báo, không có ai đến nhận. Theo pháp luật, chị được quyền sử dụng số tiền ấy. Cuộc đời chị bước sang một trang mới.

Những biến đổi bất ngờ vui buồn xảy đến dường như cho ta một nhận định: số mệnh cũng thay đổi. Thực sự, số mệnh của ta thay đổi hay số mệnh của ta là cái số mệnh đã thay đổi đó. Dù số mệnh đó là gì đi nữa, tôi cũng tin rằng điều quan trọng là thái độ của ta trước sự thay đổi đang diễn ra từng ngày trong cuộc sống.

Machiavelli đã viết: “Số mệnh thay đổi, con người thì hành động cố chấp, gặp lúc trái ngược, con người sẽ thất bại khốn đốn.” Những đổi thay diễn ra trong cuộc đời như một việc phải xảy đến cho tất cả mọi người. Không ai có thể biết trước được ngày mai. Nếu trước những thay đổi, ta hành động cố chấp, không thuận theo những thay đổi, ta đã giết chính mình trong những thất bại.

Tôi vẫn nhớ, hằng năm, đến những ngày sau khi có kết quả của kỳ thi đại học, đọc tin trên báo, vẫn là những tin quen thuộc về những áp lực xảy đến với những thí sinh thi rớt kỳ thi đại học. Kết cục của những thí sinh ấy có thể là một gia đình rạn nứt, là một cái chết thương tâm không đáng có, là sự mất niềm tin về chính mình. Kết cục ấy phải chăng là hành động cố chấp của con người trước sự thay đổi của số mệnh?

Trong niềm tin của một người Công giáo, Lời của Đức Giêsu trong Kinh Thánh cho tôi một thái độ trước những thay đổi: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện”. Tỉnh thức để nhận ra những thay đổi đang diễn ra về thể lý cũng như tinh thần trong chính ta qua những biến cố gặp phải thường ngày. Tỉnh thức để nhận ra những thay đổi đang diễn biến bên ngoài xã hội trong nước cũng như ở khắp nơi trên thế giới. Nhận ra là để cầu nguyện nhằm xin một sức mạnh và một sự ứng trực trước những thay đổi. Cầu nguyện để trở nên một người hữu ích cho Chúa và cho tha nhân trong “số mệnh” của mình.

Số mệnh đã sắp đặt sắp sẵn cho Jack Carroll. Với chững bại não, em không thể trở thành một vận động viên điền kinh chuyên nghiệp, nhưng em đã chọn cho mình một thái độ qua câu nói em đã chia sẻ: “Nhưng em có thể phát huy điểm mạnh của mình là đem lại niềm vui cho tất cả mọi người.” Bản thân mỗi người đều có sẵn một giá trị. Mỗi người ai cũng có một điểm mạnh, điểm yếu tạo nên một nét cá vị cho chính bản thân. Số mệnh có thể thay đổi nhưng thái độ nhận thức đúng đắn giá trị của bản thân trước những thay đổi thì luôn bất biến vì trong giá trị ấy, mỗi người là một cá thể đặc biệt và không ai có thể lấy mất đi.

Theo dongten.net

[1] Vận động viên điền kinh chạy nhanh nhất thế giới cự ly 100 và 200m

[2] MACHIAVELLI, Niccolo, Quân vương, translated by Phan Huy Chiêm, Chương XXV

 

Posted in Uncategorized | Leave a comment

ĐƠN GIẢN CHỈ LÀ CÁI ĐẸP?

Tôi đến thăm bà vào một chiều thứ bảy. Lúc đó, bà đang cắt những cành hoa cúc trắng cắm vào bình. Bà cắm hai bình hoa. Một dành để trưng bàn thờ ông địa, một để lên cái tủ ly cũ kỹ và nhàu nát.

Một bà già bị cụt chân, ở một mình trong một căn nhà nhỏ đã rách nát và ủ dột. Trời mưa một trận, nhà sẽ lênh láng đầy nước. Những mái tôn ghép lại, liêu xiêu, lỗ chỗ những ô thủng. Trong một không gian chẳng mấy đẹp đẽ ấy, bà vẫn cắm hoa.

Tôi nói: “Nhà bà có cái gì đẹp đâu mà phải cắm hoa!”. Bà trả lời: “Cắm cho đẹp!”

Cái đẹp của bà chẳng có nghĩa gì đối với tôi. Nhưng đối với bà đó là cái đẹp. Tôi không biết, bà cắm hoa có đích thực là để đẹp hay là do thói quen hay vì một lý do nào khác? Dù vì lý do gì, tôi cũng cảm thấy nơi bà một cái đẹp tâm hồn.

Evelyn Underhill đã từng viết: “Tất cả mọi thứ đều có thể nhìn thấy dưới ánh sáng của lòng nhân đức, và vì vậy, trong khía cạnh của cái đẹp; bởi cái đẹp là hiện thực giản đơn được nhìn thấy qua con mắt yêu thương”. Từ trong câu nói ấy, tôi nhận ra rằng trong hoàn cảnh nghèo nàn và đầy khó khăn, trong những lao nhọc của thể xác với đôi chân đã bị cụt gần đến đầu gối, bà vẫn thấy cái đẹp, bởi trong bà, cái đẹp được khởi phát từ lòng yêu thương. Bà yêu mến cuộc sống của mình. Một cuộc sống thui thủi một mình, phải đi ăn xin mỗi ngày, phải vật lộn với những nỗi khó nhọc của việc lê lết từng bước chân què cụt trong sinh hoạt của mình. Vượt qua tất cả, bà yêu thương và đón nhận.

Tôi thấy trong đời sống, sự yêu thương mới làm nên cái đẹp thực sự. Tôi chỉ thực sự đẹp khi tôi yêu thương người khác và người khác thực sự yêu tôi khi nơi tôi phản chiếu cái đẹp của con mắt yêu thương.

Nhà của bà không đẹp nhưng bà cắm hoa để căn nhà trở nên đẹp. Bà đã làm đẹp cho căn nhà và làm đẹp cho chính mình. Trong cuộc sống, người ta thường rẻ rúng cái đẹp bởi thái độ đòi hỏi người khác như ý mình, bởi sự đánh giá thấp người khác, bởi tìm tìm kiếm những lợi ích cho bản thân hơn là mưu ích cho tha nhân. Người ta không nhận ra cái đẹp và cũng chẳng tạo ra cái đẹp.

Cách đây không lâu, trên một tờ báo nọ, ảnh của một bé gái 7 tuổi bị dị tật cả hai chân và hai tay do chất độc màu da cam đã đánh động và khiến nhiều người phải nhìn lại mình. Hình hài dị tật không thể nào phủ lấp được vẻ đẹp nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của em. Đó là nụ cười chiến đấu với nghịch cảnh của bản thân mình. Nụ cười ấy đã khơi gợi người khác một vẻ đẹp của tình yêu. Khi con người ta biết đón nhận và yêu mến cuộc sống vốn có của mình, dù nó ra sao và như thế nào là lúc người ta trở nên đẹp và quyến rũ.

Đẹp xấu có thể chỉ là quan điểm của mỗi người. Sự hữu hạn của cảm xúc khiến người ta hôm nay thế này, ngày mai thế khác. Hết buồn, đến vui. Hết giận, đến làm hòa. Hết đẹp, đến xấu. Nhưng người ta cũng có thể tạo ra thứ cảm xúc vĩnh cửu khi từng ngày tạo ra cái đẹp cho bản thân mình, nhờ vào tình yêu và đón nhận cuộc sống như bà già trong căn nhà xập xệ, cắm hoa mỗi tuần.

Thủ Đức, ngày 26/11/2015

Posted in Uncategorized | Leave a comment

NHÂN CÁCH – HỌC VỊ CAO QUÝ NHẤT

Yếu tố quan trọng để đánh giá mối quan hệ giữa con người với nhau chính là nhân cách. Người Việt Nam có câu tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc trau dồi nhân cách trước khi học những môn học văn hóa khác. Vậy, phải chăng nhân cách là học vị quý nhất của một con người?

Nhân cách là phẩm giá của một người, được đánh giá từ mối quan hệ của người đó với mọi người, hình thành trong toàn bộ thời gian con người tồn tại. Học vị là bằng cấp do bộ giáo dục cấp cho một người, nhằm công nhận khả năng của người đó. Câu nói “nhân cách là học vị cao quý nhất của con người” muốn đề cao giá trị của nhân cách trong việc huấn luyện con người, nhấn mạnh đến việc đào tạo một người có phẩm chất tốt quan trọng hơn một người chỉ có bằng cấp. Điều đó có thực sự tương ứng trong xã hội hiện nay?

Nhìn vào thực trạng xã hội, dường như bằng cấp đang có giá trị cao hơn nhân cách. Đối với một cá nhân, văn bằng là cái để người khác đánh giá, nhìn nhận bản thân. Vì vậy, để tìm kiếm một văn bằng, hàng năm có hàng ngàn người tham gia các kỳ thi từ đại học cho đến sau đại học. Có những người, không đủ khả năng nhưng đã chi tiền hơn 200 triệu đồng để mua được một tấm bằng tiến sĩ. Nhiều thí sinh đã làm mọi thủ đoạn gian lận thi cử nhằm vượt qua các kỳ thi. Vì một tấm bằng, họ bất chấp thủ đoạn, không còn chú trọng đến nhân cách đẹp đẽ của một con người tri thức. Một số khác sau khi thi trượt đại học đã tìm đến cái chết, kết thúc cuộc đời. Thực trạng đó đang phản ánh một xã hội đầy rẫy những con người chạy theo bằng cấp hơn là chú trọng đến việc xây dựng nhân cách của bản thân.

Tại nhiều nơi, các gia đình không còn chú ý đến nhân cách của con cái, mải chạy theo bằng cấp. Nhiều bậc cha mẹ đã không ngừng bắt ép con cái học hành để trở thành những luật sư, bác sĩ thay vì để con theo đuổi ước mơ và niềm đam mê. Một số khác đã chạy chọt, dựa giẫm sự quen biết, … để con có được một chỗ học tập tốt, một vị trí xứng đáng. Chỉ vì chú trọng đến bằng cấp hơn là nhân cách mà nhiều người sĩ tử đã phải chịu những áp lực rất lớn từ gia đình và xã hội, thậm chí các em còn bị la mắng, trách phạt khi không đạt kết quả tốt trong các kỳ thi.

Ở một phạm vi rộng lớn hơn, việc chú trọng đến bằng cấp hơn là nhân cách thể hiện qua việc đua nhau chạy theo bệnh thành tích trong giáo dục. Cụ thể, nhiều trường phổ thông và đại học đã hạ thấp chất lượng đào tạo nhằm tạo nên những tỷ lệ tốt nghiệp cao. Hơn nữa, thực trạng bằng cấp hơn nhân cách còn diễn ra qua việc khuyến dụ nhân tài về các tỉnh cũng chỉ dựa trên bằng cấp. Nhan nhản khắp nơi là những lời mời chiêu hiền của các tỉnh đối với các tiến sĩ, thạc sĩ, sinh viên loại giỏi hơn là chú ý đến nhân cách của người có văn bằng.

Những thực trạng trên trong xã hội đang chứng tỏ một xã hội trọng bằng cấp hơn là nhân cách. Cơn sóng bằng cấp đang lan rộng đến từng cá nhân, gia đình và tập thể. Học vị mà mọi người đang mải mê tìm kiếm là văn bằng tiến sĩ, thạc sĩ hơn là một học vị nhân cách. Tuy nhiên, nhân cách mới thực sự là học vị cao quý nhất của con người.

Đối với một cá nhân, quyết định tư cách của con người cần dựa trên nhân cách hơn là bằng cấp. Điều này có thể thấy qua những tấm gương của những con người, tuy không bằng cấp nhưng có nhân cách tốt đã làm thay đổi bộ mặt đời sống của xã hội. Mọi người trong xã hội ghi nhận những đóng góp của những con người đó và xem như nhân cách là một học vị của họ. Thời gian qua, dư luận bày tỏ thái độ ngưỡng mộ với một sinh viên nghèo đã trả lại một cái bóp chứa tài sản giá trị hơn 1,3 tỷ, hay dư luận ca ngợi chị bán ve chai nhặt được hơn 5 triệu yên đã đem đến cho các cơ quan chức năng. Thậm chí, những con người không có bằng cấp nhưng có nhân cách đã tạo nên những ảnh hưởng nhất định đến với mọi người. Đó là tấm gương của cô bé Lê Thanh Thúy luôn lạc quan, tươi cười trước căn bệnh ung thư, khiến mọi người cảm động và chung tay đóng góp để xây dựng chương trình “Ước mơ của Thúy” dành cho các bệnh nhi ung thư. Sự đánh giá tốt đẹp của mọi người đối với những con người có nhân cách, cho thấy nhân cách quan trọng hơn là bằng cấp. Những người đó tuy không có bằng cấp, nhưng nhân cách là học vị mà họ đã đạt được cho mình.

Không những vậy, tuy không có bằng cấp nhưng nhiều người nhờ có nhân cách tốt nên đã thu phục mọi người và đã thành công trên đường đời. Đó là những ông chủ bỏ học, dù không sở hữu bằng cấp nào nhưng với ý chí, nghị lực và niềm tin vào bản thân, họ đã thành công. Có thể kể đến như: Bill Gates – cựu chủ tịch công ty Microsoft, Mark Zurkerberg – người sáng lập trang mạng xã hội Facebook, hay Đoàn Nguyên Đức – chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Đặng Lê Nguyên Vũ – chủ tịch tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Những con người đó đã và đang chứng tỏ sự thành công, giàu có không phải dựa trên bằng cấp nhưng dựa trên những nhân cách tốt là ý chí, tinh thần, trách nhiệm… Nhân cách là học vị họ có được nhờ không ngừng trau dồi và nỗ lực cố gắng của bản thân trong đời sống của mình.

Hơn nữa, nhân cách còn đóng vai trò quan trọng hơn bằng cấp trong đời sống gia đình, bởi, nhờ học vị này mới tạo nên một gia đình êm ấm và hạnh phúc, bất chấp những khác biệt. Tại New York, một chàng trai bị cụt chân đã cưới được người vợ xinh đẹp vì cô gái cảm phục sự nghị lực, vượt khó phi thường của anh. Học vị nhân cách còn giúp cho việc duy trì đời sống gia đình hạnh phúc, vì nếu có bằng cấp nhưng thiếu nhân cách sẽ gây ra những hậu quả khôn lường trong đời sống gia đình. Có thể thấy một cách cụ thể qua việc nhiều người vợ đã bị bạo hành bởi những ông chồng là tiến sĩ, thạc sĩ nhưng lại thiếu nhân cách.

Để phát triển một xã hội, cần phải có những con người có nhân cách tốt, chứ không chỉ dựa trên bằng cấp. Những hậu quả đau đớn trong xã hội gây ra bởi những giám đốc là những tiến sĩ, thạc sĩ nhưng thiếu đi lương tâm, chỉ biết vun vén cho bản thân mình, tạo nên sự suy đồi trong xã hội. Có thể kể ra như: Dương Chí Dũng – cục trưởng cục Hải Quan hay Bùi Tiến Dũng – tổng giám đốc PMU-18. Chú trọng đến nhân cách và xem đó là học vị cao quý nhất thể hiện nơi các tập đoàn kinh doanh lớn, bởi lẽ khi tuyển dụng nhân sự, các nhà quản lý đều xét đến nhân cách của người đó trước. Một trong những nguyên nhân mà các tập đoàn này, khi tuyển dụng chú ý đến nhân cách của họ trước, là vì người dưới sẽ không hợp tác với những vị sếp thiếu nhân cách. Nếu tuyển dụng những người chỉ có bằng cấp nhưng thiếu nhân cách thì sớm muộn rồi họ cũng sẽ thất bại. Vì vậy, có người cho rằng thành công của con người chín mươi phần trăm là do nhân cách hơn là bằng cấp.

Đối với người viết, nhân cách tốt chính là một học vị cao quý nhất mà mỗi người cần phải tìm kiếm cho bản thân. Người có nhân cách tốt sẽ ý thức bản thân mình trong việc trau dồi học vấn để có thể tìm một học vị thực sự đúng nghĩa và phù hợp với khả năng. Họ sẽ là những người có tri thức và biết trau dồi nhân cách để không ngừng hoàn thiện bản thân, cống hiến cho quốc gia dân tộc. Nhờ có nhân cách, họ sẽ biết chấp nhận những khó khăn và thử thách của cuộc sống để có thể can đảm và dấn thân trong hành trình tương lai đầy chông gai và thử thách. Với nhân cách tốt, họ đủ can đảm đứng lên sau những lần thất bại, can đảm dấn bước trong những môi trường khó khăn, vượt qua những giới hạn của bản thân, gặt hái những thành công cho bản thân, gia đình và xã hội.

Như vậy, giữa bằng cấp và nhân cách thì nhân cách là một học vị cao quý nhất của con người. Dẫu nhìn vào thực trạng xã hội hiện nay, hiện tượng chú trọng đến nhân cách hơn là bằng cấp vẫn còn tồn tại và nhan nhản khắp nơi trong suy nghĩ và việc làm của nhiều người, nhưng thực sự để có thể phát triển một đất nước thì cần có những con người có đầy đủ nhân cách tốt, vì bằng cấp chỉ có giá trị thực sự khi người ta là con người có giá trị thực sự. Vì vậy, nhân cách phải là học vị cao quý nhất mà con người cần tìm kiếm trong hành trình xây dựng tri thức của bản thân.

Thủ Đức, ngày 10 tháng 10 năm 1015.

Posted in Uncategorized | Leave a comment